Hợp đồng vay tiền, mượn tiền bằng miệng có hiệu lực pháp lý?

Hợp đồng vay tiền, mượn tiền bằng miệng có hiệu lực pháp lý? Luật Hương Liên sẽ giải đáp vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Quy định về hợp đồng vay tiền

Khái niệm

Pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về hợp đồng vay tiền. Hiện nay, Bộ luật dân sự 2015 chỉ quy định về khái niệm hợp đồng vay tài sản tại điều 463 như sau:

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo điều 105 Bộ luật dân sự, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Vậy nên, theo định nghĩa về hợp đồng vay tài sản ở điều 463, có thể hiểu Hợp đồng vay tiền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tiền cho bên vay. Khi đến hạn bên vay phải trả tiền và trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Đặc điểm của hợp đồng vay tiền

Hợp đồng vay tiền có những đặc điểm sau đây:

  • Đối tượng của hợp đồng là tiền.
  • Bên vay có toàn quyền đối với số tiền đã vay.
  • Xét theo nguyên tắc, đây là hợp đồng đơn vụ nếu vay không có lãi suất. Tuy nhiên nếu có lãi suất thì bên cho vay có nghĩa vụ chuyển tiền đúng thời hạn, nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự.
  • Đây là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù. Nếu hợp đồng vay có lãi suất là hợp đồng vay có đền bù, nếu hợp đồng vay không có lãi suất là hợp đồng không có đền bù.
  • Lãi suất trong hợp đồng vay tiền sẽ theo thỏa thuận của các bên nhưng các bên không được thỏa thuận lãi suất vượt quá 20%/năm của khoản vay, căn cứ Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong trường quá hợp lãi suất vượt quá lãi suất giới hạn nêu trên thì phần vượt quá đó không có hiệu lực. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về việc trả lãi hoặc không xác định rõ lãi suất thì khi có tranh chấp về lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất tối đa trong giao dịch dân sự là 20%/năm tại thời điểm trả nợ, tức là 10%/năm.

Hình thức của hợp đồng vay tiền

Theo điều 119 Bộ luật dân sự 2015, hình thức của giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Hình thức vay tiền bằng miệng thường được áp dụng trong trường hợp có số tiền vay không lớn và mối quan hệ giữa các bên thường là thân quen hoặc quen biết.

Đối với hợp đồng bằng văn bản, các bên trong hợp đồng không buộc phải công chứng hay chứng thực; trừ một số trường hợp pháp luật có quy định cụ thể như: hợp đồng cho vay là tổ chức tín dụng.

Hợp đồng vay tiền, mượn tiền bằng miệng có hiệu lực pháp lý?

Theo quy định tại điều 119 Bộ luật dân sự 2015, Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Vậy nên, một số giao dịch dân sự không nhất thiết phải được giao kết bằng văn bản ví dụ như đi mua đồ dùng phục vụ sinh hoạt hàng ngày, thỏa thuận mua bán bằng miệng giữa người mua và người bán,…

Theo như phân tích ở trên, hợp đồng vay tiền, mượn tiền cũng là một loại hợp đồng vay tài sản. Mà điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản không có quy định rõ về việc hợp đồng cho vay tài sản phải được thực hiện dưới hình thức nào, bắt buộc phải bằng văn bản hay không. Vậy nên, hợp đồng vay tiền, mượn tiền bằng miệng vẫn có hiệu lực pháp lý. Bên cho vay và bên vay tài sản phải thực hiện các nghĩa vụ của mình khi thực hiện giao kết hợp đồng vay tiền, mượn tiền bằng miệng.

Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tiền, mượn tiền

Nghĩa vụ của bên cho vay

Theo quy định tại điều 465 Bộ luật dân sự 2015, bên cho vay có những nghĩa vụ sau đây:

  • Thứ nhất, Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận.
  • Thứ hai, Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.
  • Thứ ba, Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan quy định khác.

Nghĩa vụ của bên vay

Bên vay sẽ có nghĩa vụ trả nợ theo điều 466 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể, bên vay có những nghĩa vụ sau:

– Thứ nhất, Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Thứ hai, Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

– Thứ ba, Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Thứ tư, Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

– Thứ năm, Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

  • Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015;
  • Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Những rủi ro khi sử dụng hợp đồng vay tiền, mượn tiền bằng miệng

Hợp đồng vay tiền, mượn tiền bằng miệng mang lại sự tiện lợi, dễ dàng khi giao kết cho các bên khiến cho việc áp dụng hình thức này ngày càng phổ biến trên thực tế. Các bên có thể vì dựa vào mối quan hệ thân thiết, người thân, họ hàng, bạn bè; nghĩ là đã biết nhau rồi nên khi cho vay, mượn tiền không cần phải lập bằng văn bản mà chỉ cần sử dụng lời nói. Tuy tiện lợi, dễ dàng cho các bên khi giao kết, nhưng hình thức này sẽ là con dao hai lưỡi đối với giao dịch này. Đã có nhiều tranh chấp phát sinh khi sử dụng hình thức giao dịch này, khi tranh chấp xảy ra không chỉ thiệt hại về tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ thân thiết của các bên.

Từ đó, ta có thể thấy, hình thức hợp đồng vay tiền, mượn tiền bằng miệng sẽ tồn tại những rủi ro sau:

  • Khi sử dụng hợp đồng vay tiền, mượn tiền bằng miệng, các bên chỉ sử dụng lời nói, không có phương tiện, công cụ nào ghi lại lời nói đó như hình thức bằng văn bản. Vậy nên, việc chứng minh xác thực sự tồn tại của hợp đồng vay tiền bằng miệng này là rất khó. Và khi có tranh chấp xảy ra, sẽ khó chứng minh được lời nói của các bên có phải là thật hay không.
  • Có thể, khi giao kết hợp đồng vay tiền bằng miệng, hai bên sẽ sử dụng một bên thứ ba để làm chứng lời nói vay mượn tiền. Tuy nhiên, khi có tranh chấp xảy ra, cần người đó ra làm chứng thì sẽ có những rủi ro như là: họ không thể có mặt để làm chứng, hoặc làm chứng không chính xác, đúng sự thật.

Những lưu ý khi giao kết hợp đồng vay tiền, mượn tiền bằng miệng

Để tránh những rủi ro, tranh chấp không đáng có khi giao kết hợp đồng vay tiền, mượn tiền bằng miệng, cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Khi hai bên thực hiện giao kết hợp đồng vay tiền, mượn tiền bằng miệng, bên cho vay giao tiền mặt cho bên vay thì cần có một bên thứ ba làm chứng.
  • Khi giao tiền vay, bên cho vay nên lưu giữ bằng chứng hai bên đã xác lập giao dịch, bên cho vay đã giao tiền cho bên vay bằng các file ghi âm, ghi hình rõ ràng lời nói, hình ảnh của hai bên.
  • Thực hiện giao tiền vay cho bên vay thông qua việc chuyển khoản ngân hàng để có bằng chứng về việc bên cho vay giao tiền cho bên vay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

facebook
Contact Me on Zalo
0936736909